Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Quyền sử dụng đất trong trường hợp nào được xác định là di sản thừa kế?


 
Một trong những di sản là đối tượng tranh chấp nhiều về thừa kế đó là “quyền sử dụng đất”. Vì quyền sử dụng đất được xem là loại di sản mới và đặc biệt hơn so với các loại di sản khác, nên kéo theo đó là cách giải quyết cũng theo một cơ chế riêng. Gần đây, một số văn bản pháp luật, cụ thể là Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình (sau đây xin gọi tắt là Nghị quyết số 02) đã khẳng định rõ và ghi nhận “quyền sử dụng đất” là di sản thừa kế. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ kiện đòi chia thừa kế về quyền sử dụng đất đã nảy sinh các ý kiến khác nhau về nhận thức quyền sử dụng đất là di sản thừa kế. Trong phạm vi bài viết này, xin bàn thêm cùng bạn đọc về vấn đề nêu trên thông qua một số ví dụ cụ thể sau:
Ví dụ 1: Ông bà A - B sinh được 2 người con là C và D. Sinh thời ông bà A - B có tạo lập được 1 mảnh đất có diện tích là 500m2. Năm 1989, anh C đứng tên kê khai mang tên anh. Năm 2000, ông bà A - B đều qua đời. Tháng 6/2005, anh D có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất trên do bố mẹ để lại.

Về việc giải quyết vụ việc nêu trên còn có các ý kiến khác nhau:

* ý kiến thứ nhất cho rằng, việc ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất do bố mẹ để lại là không được chấp nhận vì 500m2 đất không phải di sản thừa kế, bởi lẽ:

- Tại tiểu mục 1.1 và 1.2 Mục 1 Phần II Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, hướng dẫn về việc xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:

+ Tiểu mục 1.1: “Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản”.

+ Tiểu mục 1.2: “Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”.
Từ hướng dẫn nêu trên cho thấy, quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế khi thoả mãn 2 điều kiện sau:

Điều kiện 1: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.

Điều kiện 2: Một trong các giấy tờ nêu tại điều kiện 1 phải mang tên người chết để lại.

Đối chiếu với hai điều kiện trên đề cập tại ví dụ 1 thì: Mặc dù về bản chất, đất là do bố mẹ ông D tạo lập để lại, nhưng giấy tờ lại không mang tên ông bà A, B (đất không mang tên người chết để lại); vì vậy, 500m2 đất không thoả mãn điều kiện 2, nên không phải là di sản thừa kế của ông bà A - B để lại. Việc ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất là không có cơ sở chấp nhận, nên cần bác yêu cầu khởi kiện của ông D.

* ý kiến thứ hai cho rằng, quyền sử dụng 500m2 đất vẫn phải coi là di sản thừa kế của bố mẹ ông D, nên ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là có cơ sở để chấp nhận, vì những lẽ sau:
Một là, một trong những nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về thừa kế nói riêng là cần tìm ra bản chất của sự việc.

Với tranh chấp thừa kế thì vấn đề quan trọng là phải xác định tài sản tranh chấp có nguồn gốc của ai, từ đó xác định diện và hàng thừa kế, trên cơ sở đó xác định quyền, nghĩa vụ của họ. Trở lại ví dụ 1: ở đây rõ ràng xét về nguồn gốc 500m2 đất là của ông bà A - B tạo lập. Việc ông C đứng tên trong sổ mục kê hay đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là mang tên) có dựa trên các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông bà A - B với ông C thông qua các hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế hay không? Nếu việc mang tên không dựa trên các căn cứ nêu trên thì việc mang tên không có giá trị pháp lý và việc mang tên đó sẽ không là cơ sở để phát sinh quyền sử dụng hợp pháp đối với ông C và cần coi 500m2 đất vẫn thuộc quyền sử dụng của ông bà A - B để làm di sản phân chia thừa kế.

Nhân đây cũng cần phân tích thêm về giá trị pháp lý của việc mang tên là khác với quyết định cấp, giao đất của Nhà nước, đó là:

+ Quyết định cấp, giao đất của Nhà nước là thể hiện ý chí của Nhà nước trao quyền sử dụng đất đó cho một cá nhân, tổ chức. Nên quyết định đó giữ tính ổn định, đảm bảo cho người được cấp, được giao và nó sẽ không bị thay đổi trong khi giải quyết tranh chấp (khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003).

+ Đối với việc mang tên (trong sổ mục kê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có ý nghĩa để phân biệt thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Toà án nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đồng thời nó phản ánh đối tượng đang tranh chấp là thuộc đất sử dụng hợp pháp mà không thuộc diện đất lấn chiếm. Khi giải quyết, Toà án không phải hỏi Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về việc sử dụng đất là hợp pháp hay không. Việc mang tên không hoàn toàn là cơ sở duy nhất cho việc phát sinh quyền về tài sản riêng (quyền sử dụng đất hợp pháp của người được mang tên). Vì việc mang tên là dựa trên nhiều cơ sở khác nhau được quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 và được quy định theo 2 nhóm sau:

Nhóm 1: Đất có giấy tờ (liệt kê từ điểm a đến điểm e khoản 1 và khoản 7 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003).

Nhóm 2: Đất tuy không có giấy tờ, nhưng chủ hộ đã ở ổn định, phù hợp với quy hoạch và tại thời điểm mang tên không xảy ra tranh chấp (khoản 4 và khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003).

Từ quy định nêu trên thì việc mang tên có thể là căn cứ phát sinh quyền sử dụng đất hợp pháp (quyền về tài sản riêng), có thể chưa phải là căn cứ phát sinh quyền về tài sản riêng nếu xảy ra tranh chấp. Nên trong quá trình giải quyết tranh chấp việc mang tên có thể bị thay đổi nếu như người khởi kiện có căn cứ chứng minh. Và trong quá trình giải quyết, Toà án cần xem xét việc mang tên đó đã là căn cứ hợp pháp để phát sinh quyền sử dụng đất đối với người được mang tên hay chưa? Nếu việc mang tên không dựa trên căn cứ hợp pháp thì cần xác định rõ nguồn gốc tài sản là của ai để vụ việc được giải quyết một cách khách quan. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra nghĩa vụ chứng minh ở trường hợp nêu tại ví dụ 1, đó là: Vì ông C đã mang tên, nên trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh đất của bố mẹ là thuộc về ông D. Nếu ông D không đưa ra được căn cứ chứng minh là đất của bố mẹ để lại thì lúc này cần tôn trọng và giữ tính ổn định của việc mang tên đối với diện tích đất của ông C và bác yêu cầu khởi kiện của ông D.

Hai là, sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta mở rộng ví dụ 1, đó là:

Ví dụ 2: Giả sử trên khuôn viên 500m2 đất đang tranh chấp có 01 ngôi nhà cấp 4 do bố mẹ ông D xây dựng để lại. Đối với 500m2 đất mang tên ông C (có thể đứng tên ông C trong sổ mục kê hoặc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C). Nếu theo lập luận của ý kiến 1 nêu trên dựa trên cơ sở hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 hoặc 1.2 của Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thì 500m2 đất không mang tên ông bà A - B nên không phải là di sản thừa kế. Vậy di sản thừa kế ở đây phải chăng là ngôi nhà cấp 4? Việc hiểu và vận dụng theo ý kiến 1 sẽ mâu thuẫn với tiểu mục 1.3 của Nghị quyết số 02 vì tiểu mục 1.3 có hướng dẫn như sau:

Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 Mục 1 này, nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác... gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phải phân biệt các trường hợp như sau:

a. Trong trường hợp đương sự có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền yêu cầu xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.

Từ hướng dẫn nêu trên cho thấy, nếu đất dù không có giấy tờ (được coi đất của ông bà A - B để lại không có giấy tờ) nhưng việc sử dụng đất là hợp pháp, phù hợp quy hoạch thì quyền sử dụng đất cũng được coi là di sản, khi chia thừa kế sẽ coi nhà và quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Từ những ý kiến nhận thức khác nhau về di sản là quyền sử dụng đất như đã nêu trên, xin nêu ý kiến để trao đổi cùng bạn đọc, trên cơ sở đó đề nghị với liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.

Nguyễn Thanh Hải
(TAND huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây - nguồn TCKS số 23/2008)

Nguồn: http://tapchikiemsat.org.vn/viewtopic/van-de-109/Quyen-su-dung-dat-trong-truong-hop-nao-la-di-san-thua-ke-999.html

Nghiên cứu thực tiễn pháp lý: tranh chấp hợp đồng mua bán vải

Nguyên đơn: Công ty May Xuất khẩu Việt Nam ( Người mua )
Bị đơn: Công ty Hàn Quốc ( Người bán )

CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐỀ CẬP:

- Mua hàng theo mẫu;
- Giá trị pháp lý của mẫu hàng;
- Nghĩa vụ cung cấp mẫu hàng;
- Giá trị pháp lý của chứng thư giám định.

TÓM TẮT VỤ VIỆC:

Nguyên đơn và Bị đơn ký hai Hợp đồng mua vải. Trong các điều khoản của Hợp đồng, đáng lưu ý có các điều khoản sau:
- Chất lượng của hàng hóa sẽ dựa theo mẫu LABDIP ( Điều 2 Hợp đồng );
- Giám định trước khi gửi hàng do nhà sản xuất thực hiện là cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên ( Điều 7 Hợp đồng ).
Sau khi nhận hàng của Bị đơn, Nguyên đơn đã chuyển số vải cho một đơn vị gia công hàng của Nguyên đơn để kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào gia công.Tuy nhiên, do lỗi vải quá nhiều nên đơn vị gia công đã từ chối nhận vải của Nguyên đơn. Nguyên đơn đã mời đại diện của Bị đơn là ông A (Trưởng văn phòng đại diện của Bị đơn ) đến kiểm tra chất lượng vải. Sau khi kiểm tra vải đại diện Bị đơn đồng ý để Nguyên đơn mời Công ty X giám định chất lượng vải của Hợp đồng. Sau đó, Nguyên đơn nhận được kết quả giám định của Công ty X với nội dung “toàn bộ lô hàng không sử dụng được trong công nghệ cắt may công nhiệp hàng loạt”.
Do hai bên không giải quyết được tranh chấp về chất lượng nên Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn ra Trọng tài, yêu cầu Bị đơn hoàn trả lại cho Nguyên đơn 44.089,2USD gồm các khoản sau:

- Trị giá Hợp đồng : 31.669,2USD
- Chi phí nhận hàng : 300USD
- Lãi suất đến ngày khởi kiện : 675,61USD
- Tiền phạt mà Nguyên đơn bị khách hàng phạt do không có hàng để giao : 11.445USD.

Lập luận của Bị đơn :

- Bị đơn đã hoàn thành các cam kết theo Hợp đồng; chất lượng hàng giao phù hợp với Hợp đồng và mầu sắc như mẫu chào bán, mẫu LABDIP theo như Điều 2 của Hợp đồng. Hàng đã được giám định bởi nhà sản xuất trước khi gửi hàng đúng theo như Điều 7 của Hợp đồng.
- Khiếu nại của Nguyên đơn về chất lượng và mầu sắc vải là thiếu căn cứ vì Bên mua đã đơn phương trưng cầu Công ty X giám định, một giám định ngoài Hợp đồng, không có giá trị pháp lý ràng buộc. Theo Điều 7 của Hợp đồng, giám định trước khi gửi hàng được thực hiện bởi nhà sản xuất và giám định này là cuối cùng, có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên.
- Biên bản làm việc với ông A là vô hiệu vì ông A không được ủy quyền để ký Biên bản làm việc và cũng không được ủy quyền để giải quyết vụ tranh chấp này. Vào thời điểm ký Biên bản, ông A không còn làm việc cho Bị đơn.
- Giám định của Công ty X không chính xác, cách thức kiểm tra không chuẩn, không có căn cứ vào mẫu LABDIP để giám định chất lượng và mầu sắc của lô hàng. Việc giám định mà không đối chiếu với mẫu LABDIP là không có giá trị pháp lý.
Từ những lập luận nêu trên, Bị đơn đề nghị Hội đồng Trong tài tuyên bố Bị đơn đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng và bác đơn kiện của Nguyên đơn.
Tại phiên xét xử, Hội đồng Trọng tài đã yêu cầu Nguyên đơn và Bị đơn cung cấp mẫu LABDIP. Nguyên đơn đã cung cấp cho Hội đồng Trọng tài mẫu LABDIP, còn Bị đơn không cung cấp được mẫu LABDIP với lý do bị Nguyên đơn lấy mất mẫu LABDIP. Bị đơn đã phản bác mẫu LABDIP do Nguyên đơn xuất trình và trên mẫu LABDIP không có chữ ký và con dấu của đại diện có thẩm quyền của hai bên.

QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI

Nguyên đơn và Bị đơn ký Hợp đồng mua bán theo mẫu LABDIP. Tuy nhiên, cả hai bên đã không tuân thủ các quy định về việc lấy mẫu và bảo quản mẫu.
- Về mẫu LABDIP do Nguyên đơn xuất trình : Nguyên đơn đã không tuân thủ các quy định về việc lấy mẫu. Cụ thể, trên mẫu LABDIP không có chữ ký và con dấu của đại diện Nguyên đơn và Bị đơn, không được niêm phong. Do vậy, không có cơ sở để xác định đây là mẫu LABDIP.
- Về việc Bị đơn không xuất trình mẫu LABDIP : Hội đồng Trọng tài không chấp nhận trình bày của Bị đơn. Hai bên thỏa thuận mua bán theo mẫu, với tư cách là Bên bán, Bị đơn phải có nghĩa vụ cung cấp mẫu vải và đặc biệt phải giữ và bảo quản mẫu trong mọi trường hợp để làm căn cứ chứng minh khi có khiếu nại về chất lượng hàng hóa. Là Bên bán nên Bị đơn biết rõ giá trị pháp lý và tầm quan trọng của mẫu LABDIP. Lý do bị mất mẫu mà Bị đơn đưa ra không chính đáng. Bị đơn đã không có bất kỳ hành động gì để bảo vệ quyền lợi của mình ngay khi bị mất mẫu. Bị đơn không chứng minh được Nguyên đơn đã lấy mẫu LABDIP của Bị đơn. Do vậy, Bị đơn phải tự chịu trách nhiệm về việc này.
- Về kết quả giám định của Công ty X :
Việc Nguyên đơn khi phát hiện hàng hóa chất lượng không phù hợp với Hợp đồng nên mời giám định là quyền của Nguyên đơn. Tuy giám định của Công ty X không được quy định trong Hợp đồng nhưng, trong trường hợp không đồng ý với kết luận giám định của Công ty X thì Bị đơn có quyền chỉ định tổ chức giám định khác giám định lại chất lượng lô hàng để chứng minh mình đã giao hàng phù hợp với quy định của Hợp đồng. Tuy nhiên, Bị đơn đã không làm việc này và cũng không xuất trình được mẫu LABDIP. Vậy, Bị đơn dựa trên căn cứ nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi có khiếu nại về chất lượng lô hàng đã giao?
Công ty X là một Công ty giám định độc lập. Hội đồng trọng tài không chấp nhận giải trình của Bị đơn cho rằng ông A không được ủy quyền để ký Biên bản nêu trên với lý do vào thời điểm ký Biên bản ông A không còn làm việc cho Bị đơn vì trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng, ông A là đại diện của Bị đơn, trực tiếp giao dịch với Nguyên đơn. Biên bản chọn giám định ghi: Đại diện Bị đơn là ông A. Lẽ ra, nếu có thay đổi Trưởng đại diện, nhất là vào thời điểm đang có tranh chấp, thì Bị đơn phải thông báo cho Nguyên đơn biết. tuy nhiên, Bị đơn đã không làm việc này.
Tuy không hoàn toàn dựa vào kết quả giám định của Công ty X trong việc giải quyết vụ kiện, nhưng Hội đồng Trọng tài công nhận kết luận giám định của Công ty X “toàn bộ lô hàng không sử dụng được trong công nghệ cắt, may công nghiệp hàng loạt”. Hội đồng Trọng tài cho rằng Bị đơn đã biết rất rõ Nguyên đơn mua vải của Bị đơn là để gia công may xuất khẩu. Quá trình xác định mẫu vải còn có đại diện khách hàng của Nguyên đơn cùng tham gia. Do vậy, Bị đơn phải chịu trách nhiệm về chất lượng lô hàng này. Mặt khác, Nguyên đơn cũng chưa xuất trình đầy đủ chứng cứ để yêu cầu Bị đơn phải hoàn trả cho Nguyên đơn toàn bộ số tiền nêu trong đơn kiện là 44.089,81 USD.
Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng Trọng tài cho rằng cả Nguyên đơn và Bị đơn đều có lỗi trong vụ việc này và quyết định như sau:
- Buộc Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn các khoản tiền sau:
+ 10.556,4 USD, tức 1/3 tổng trị giá lô hàng thuộc Hợp đồng là 31.669,2 USD.
+ 225,20 USD, tức 1/3 số tiền lãi tính đến ngày xét xử.
- Nguyên đơn được sở hữu toàn bộ lô hàng nhập khẩu nói trên.
- Bác các yêu cầu khác của Nguyên đơn.
- Nguyên đơn phải chịu 2/3 phí Trọng tài. Bị đơn phải chịu 1/3 phí Trọng tài.

BÌNH LUẬN VÀ LƯU Ý

Trong vụ kiện trên, hai bên mua bán theo mẫu nhưng cả hai bên đều không thực hiện đúng quy trình lấy mẫu và bảo quản mẫu. Thông thường, trong mua bán quốc tế, khi mua bán hàng theo mẫu thì phải có tối thiểu là 3 mẫu. Người bán giữ một mẫu, người mua giữu một mẫu và một mẫu gửi cho tổ chức độc lập, trung gian. Ngoài ra, khi lấy mẫu thì các bên phải ký xác nhận, niêm phong, đóng dấu. Sau đó, mẫu phải được bảo quản trong điều kiện an toàn để làm căn cứ đối chiếu với hàng thực giao.
Về giám định chất lượng hàng hóa, việc Bên mua thỏa thuận để kết quả giám định của nhà sản xuất có giá trị cuỗi cùng là một sơ suất lớn. Trong thực tế, khi sản xuất ra một sản phẩm,nhà sản xuất phải công bố các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm. Đây là nghĩa vụ đương nhiên của nhà sản xuất. Các kết luận của nhà sản xuất về quy cách, phẩm chất của hàng hóa chỉ là sự xác nhận đơn phương, không có giá trị ràng buộc đối với bên thứ ba, nhất là với bên mua. Trong thực tế có thể có sự khác nhau về chỉ tiêu chất lượng giữa sản phẩm được sản xuất ra và các chỉ tiêu do nhà sản xuất công bố. Trong trường hợp đó phải có sự kết luận của tổ chức giám định trung gian, độc lập mới có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong vụ kiện này, Nguyên đơn đã chấp nhận kết quả kiểm tra của nhà sản xuất có giá trị cuối cùng tức là đã loại trừ vai trò của tổ chức giám định.

SOURCE: VIETSHIP.VN

Trích dẫn từ: http://www.vietship.vn/showthread.php?t=5255